Mã số:
Mã số 01C-05
Tên đề tài:
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội (14:18 21/04/2015)
Đơn vị chủ trì:
Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội
Thời gian:
2024
-2024
Lượt đọc:
2
Kết quả nghiệm thu:
Chưa nghiệm thu
Nội dung:

1. Đặt vấn đề

Trên địa bàn Hà Nội, sản xuất nông nghiệp còn man mún, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ nên nông sản không đồng đều về chất lượng, không đủ số lượng lớn, giá thành cao, tự tiêu thụ nên không ổn định và bị ép giá … 

Vì vậy, trong sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản cần phải liên kết với nhau. Vai trò của liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vai trò của các nhà khoa học, vai trò điều phối của cơ quan Quản lý Nhà nước quan trọng như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Quyết định 80, kết quả còn rất hạn chế. Chưa có nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả và bền vững.

Vì vậy, để đánh giá tình hình liên kết trên địa bàn Hà Nội và đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm phát triển các liên kết bền vững, chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội”.

2. Mục tiêu nghiên cứu

- Đánh giá thực trạng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản (rau, thịt lợn và thuỷ sản) trên địa bàn Hà Nội.

- Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững các mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội.

- Xây dựng 01 mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thuỷ sản

3. Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, chúng tôi thực hiện các phương pháp sau:

(1). Phương pháp kế thừa thông tin, kết quả nghiên cứu có sẵn;

(2). Phương pháp điều tra: Điều tra trực tiếp các tác nhân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo phiếu in sẵn;

(3). Phương pháp phỏng vấn sâu: đề tài sẽ lựa chọn một số mô hình thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa theo ngành hàng;

(4). Phương pháp chuyên gia: Tổ chức các Hội thảo, xin ý kiến trực tiếp các chuyên gia đầu ngành.

(5) Phương pháp xử lý, phân tích thông tin, tài liệu sơ cấp. Phân tích thông tin tài liệu theo phương pháp thống kê để xử lý kết quả điều tra khảo sát: Sử dụng phần mềm SPSS để xử lý phiếu điều tra.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thực trạng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản ở TP Hà Nội

4.1.1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của TP Hà Nội

(a). Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản từ ngành trồng trọt

Sản lượng thóc năm 2010 đạt 1.125 nghìn tấn, giảm bình quân 0,7%/năm (giai đoạn 2001 - 2010), giảm 81,7 nghìn tấn so với năm 2000. Cây ngô: sản lượng ngô vẫn tăng đều trong những năm qua, đạt 112,4 nghìn tấn năm 2010. Năng suất ngô bình quân đạt 44,9 tạ/ha, tăng bình quân 3,9%/năm.

Rau đậu thực phẩm: Đến năm 2010, sản xuất rau đậu thực phẩm Thành phố Hà Nội có diện tích canh tác là 11.650 ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã (diện tích chuyên trồng rau là 5.048 ha, không chuyên là 6.602 ha), cho sản lượng 526 nghìn tấn (năm 2010).

Rau an toàn: Diện tích sản xuất rau theo Quy trình rau an toàn của Thành phố, có cán bộ kỹ thuật của Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội chỉ đạo, giám sát là 2.105 ha. Năng suất rau sản xuất theo Quy trình rau an toàn đạt 19,5 tấn/ha/vụ. Sản lượng rau an toàn của toàn Thành phố đạt xấp xỉ 123 nghìn tấn/năm, đáp ứng được 14 - 15% nhu cầu rau xanh của người dân trên địa bàn.

Về hiện trạng sơ chế, chế biến, tiêu thụ rau an toàn: toàn thành phố có 25 cơ sở sơ chế (trong đó có 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận), 122 cửa hàng bán rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rau an toàn. Hoạt động xúc tiến thương mại bước đầu đã được triển khai, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của người sản xuất và người tiêu dùng.

(b). Tình hình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của chăn nuôi

Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn năm 2010 là 1.625,2 nghìn con, trong đó, lợn nái 204,5 nghìn con, tỷ lệ lợn nái lai chiếm trên 86%, lợn nái ngoại 14%, lợn đực giống 1.553 con, lợn thịt 1.418.577 con. Sản lượng thịt: sản lượng lợn hơi năm 2010 đạt 308.217 tấn, trọng lượng xuất chuồng bình quân 71,5kg/con, đàn nái tăng từ 2 lên 2,2 lứa/năm, lợn nuôi thịt xuất chuồng 2,5 lứa/năm.

Việc tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở gắn với siêu thị trên địa bàn Thành phố còn hạn chế, chủ yếu sản phẩm sau khi giết mổ được tiêu thụ tại các chợ. Sản phẩm cung cấp ra thị trường vẫn ở dạng tươi sống chưa qua sơ chế, chưa có cơ sở giết mổ gắn liên kết với chế biến.

Chăn nuôi trâu, bò: Đàn bò với sự chuyển đổi theo hướng phát triển hướng thịt đã đạt kết quả tăng trưởng tích cực: toàn thời kỳ 2001 - 2010 tổng đàn tăng 32,1% (bình quân tăng 2,8%/năm).

Tiêu thụ sản phẩm: Sản phẩm thịt bò chủ yếu được các hộ tư thương tiêu thụ. Thành phố chưa có cơ sở chế biến thịt bò công nghiệp. Hầu hết các cơ sở giết mổ, chế biến chưa đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm, các cơ sở phân phối thịt ra thị trường không có bảo quản lạnh.

(c). Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản Hà Nội năm 2010 có 20.554,5 ha, tăng 6.933,0 ha so với năm 2005, tăng bình quân 8,6%/năm;

Tiêu thụ và chế biến thủy sản: Hiện nay, sản phẩm thủy sản chủ yếu được tiêu thụ ở dạng tươi sống và tập trung theo thời vụ. Thị trường chủ yếu là nội thành, ngoại thành và một số tỉnh xung quanh Hà Nội. Phần lớn tiêu thụ sản phẩm do tư thương và thị trường tự do. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội chưa có cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản nước ngọt.

4.1.2. Tình hình phát triển liên kết trong sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn Hà Nội

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 2 hình thức: liên kết ngang và liên kết dọc.

(a). Tình hình liên kết ngang trong sản xuất, kinh doanh nông sản

Toàn Thành phố có 978 HTX nông nghiệp. Các HTX đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; hoạt động dịch vụ kinh doanh của các HTX cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ xã viên như kinh doanh dịch vụ cung ứng giống, vật tư, vốn, làm đất, thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kĩ thuật … 

Bên cạnh đó, các HTX đã từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chuyên ngành; tuy nhiên số lượng HTX đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế khoảng 55 HTX, chủ yếu là các HTX sản xuất chuyên ngành về rau an toàn 24 HTX; về hoa có 1 HTX; về cây ăn quả có 1 HTX, chăn nuôi gia súc gia cầm 11 HTX; về nuôi trồng thuỷ sản có 7 HTX ...

Khi nghiên cứu về liên kểt trong sản xuất – tiêu thụ rau ở Hà Nội chúng tôi thấy: Trong sản xuất, hình thức HTX là hình thức liên kết có vai trò quan trọng hiện nay, HTX vẫn là lựa chọn số hàng đầu trong liên kết sản xuất.

2.2. Các hình thức liên kết dọc trên địa bàn Hà Nội

Liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản hiện nay còn rất đa dạng, có thể được trình bày như sơ đồ sau:

PTRau

Với đối tượng người sản xuất là các hộ nông dân nhỏ chưa tham gia liên kết, sẽ chủ yếu áp dụng theo kênh 4 và 1.

Đối tượng là các HTX, doanh nghiệp, sẽ áp dụng kênh chủ yếu là 3 và 2, thông qua các hợp đồng đến thẳng người tiêu dùng tập thể hoặc các siêu thị.

(b). Một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

(1). Các mô hình liên kết kiểu các HTX, trang trại hợp đồng mua giống vật tư, kỹ thuật và bán sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ quan khoa học.

Thực hiện giảm bớt các đầu mối giao dịch với các thể nhân sản xuất bằng cách tạo điều kiện hình thành các”tổ hợp tác” “ Chủ hợp đồng” “hợp tác xã” làm đại diện cho những nhóm người sản xuất.

Hợp đồng liên kết này được thực hiện ở các HTX nông nghiệp sản xuất lúa giống, sản xuất nấm, rau an toàn … Căn cứ nhu cầu sản xuất giống, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp; HTX kí hợp đồng mua giống, vật tư và bán sản phẩm cho doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất về chủng loại, khối lượng, kĩ thuật sản xuất và chất lượng sản phẩm, HTX lên kế hoạch sản xuất, bán giống vật tư, phân bố diện tích, sản lượng và tập huấn kĩ thuật cho xã viên, khi thu hoạch HTX mua lại sản phẩm bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng.

HTX nông nghiệp Liệp Tuyết huyện Quốc Oai, HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Phú đã kí hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Trung ương mua từ 7 - 8 tấn giống lúa siêu nguyên chủng để sản xuất trên 700 tấn giống lúa nguyên chủng bán cho công ty.

HTX nông nghiệp Văn Đức huyện Gia Lâm đã kí hợp đồng với Công ty TNHH Hương Cảnh mua phân hữu cơ và HTX đầu tư giống, kỹ thuật sản xuất các loại rau ăn lá theo tiêu chuẩn ViêtGAP trên diện tích 50 ha để bán cho Công ty sơ chế đóng gói tại chỗ.

HTX Vân Nội của huyện Đông Anh là vùng sản xuất rau lâu đời của Hà Nội. HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chỉ đạo và định hướng sản xuất cho xã viên; Rau được sản xuất theo sự hướng dẫn, kiểm tra và giám sát của HTX từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch, dán tem sản phẩm, để đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng.

HTX chăn nuôi Mỹ Hà, Huyện Mỹ Đức, HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông, TX Sơn Tây đã kí hợp đồng mua của công ty thức ăn chăn nuôi CP trên 2.000 con lợn giống, nái ngoại, trên 20.000 tấn thức ăn chăn nuôi để sản xuất giống, nuôi lợn thương phẩm. Ngoài ra các HTX đã hợp đồng với Công ty cổ phần Thú y xanh mua thuốc thú y và hướng dẫn kĩ thuật và chữa bệnh cho lợn.

HTX nấm Sáng Thiện (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) đã kí hợp đồng với Viện Di truyền mua giống, vật tư và hướng dẫn kĩ thuật cho các hộ xã viên sản xuất trên 5.000 m2 diện tích trồng nấm đạt tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu. HTX được hỗ trợ 40% chi phí giống nấm và 20% chi phí thiết yếu trồng nấm.

(2). Mô hình thuê đất trực tiếp sản xuất hoặc kí hợp đồng với nông dân để sản xuất, thu mua nông sản theo tiêu chuẩn đặt ra của doanh nghiệp:

Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông sản an toàn Hà An (Từ Liêm – Hà Nội). Doanh nghiệp đã áp dụng một hình thức tổ chức, quản lý mới đó là sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà quản lý. Mô hình sản xuất và tiêu thụ RAT của Công ty được triển khai trên cơ sở phối hợp giữa Chi cục BVTV, UBND quận Long Biên và Công ty Hà An, được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất - sơ chế - đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. Các loại rau củ đều được sơ chế, bao gói, niêm phong bằng máy hàn nhiệt, dán tem mã vạch, được đánh mã số, ghi chép lịch sản xuất theo nguyên tắc GAP để phục vụ cho công tác tra cứu nguồn gốc.

Công ty Đầu tư và phát triển nông thôn Hà Nội (HADICO) có 5 đơn vị trực tiếp sản xuất RAT trên 600 ha đất canh tác. Công ty cung cấp sản phẩm cho nhiều đơn vị khác nhau. (Trung tâm thương mại Big C, siêu thị Intimex...các bếp ăn tập thể của các trường mầm non, sân bay Nội Bài...)

(c). Kết quả thực hiện các liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản

- Với các HTX chăn nuôi Mỹ Hà. HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông đã liên kết hợp đồng mua giống, vật tư của công ty thức ăn chăn nuôi C.P; các HTX đã được đầu tư giống, thức ăn chăn nuôi, kĩ thuật sản xuất các giống lợn ngoại, hướng nạc cho năng suất, giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên canh cao, đồng thời xã viên là các chủ trang trại chăn nuôi đã mở rộng liên kết phát triển sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm như HTX Cổ Đông với trên 150 xã viên đã đầu tư chăn nuôi trên 1.000 nái ngoại,, 2.500 lợn thương phẩm đạt sản lượng gần 500.000 tấn thịt lợn, 900.000 tấn thịt gà, thu nhập chăn nuôi đạt 250 tỷ đồng … HTX chăn nuôi Mỹ Hà đạt sản lượng trên 2.000 tấn thịt lợn, đạt doanh thu 72 tỷ đồng, lãi từ 15-20%.

HTX nấm Sáng Thiện đã kí hợp đồng với Viện Di truyền mua giống, vật tư và hướng dẫn kĩ thuật cho các hộ xã viên sản xuất nấm; Từ hoạt động liên kết phát triển sản xuất đã tạo công ăn việc làm cho trên 2.500 lao động sản xuất nông nghiệp cho mức thu nhập cao và ổn định; với những HTX chăn nuôi cho thu nhập cao từ 2 triệu – 3 triệu đồng một tháng.

- Với những HTX đã liên kết hợp đồng bán sản phẩm cho các doanh nghiệp như các HTX nông nghiệp Liệp Tuyết huyện Quốc Oai, HTX DVNN Đồng Phú, HTX NN Văn Đức … Trong quá trình sản xuất các HTX đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao giống, công nghệ mới vào sản xuất theo quy mô tập trung, đã cho sản lượng hàng hoá lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng bán cho doanh nghiệp như HTX NN Liệp Tuyết có quy mô sản xuất giống lúa nguyên chủng trên 50 ha chiếm 20% diện tích sản xuất nông nghiệp của HTX, sản lượng trên 360 tấn giống lúa nguyên chủng để bán cho Công ty giống cây trồng Trung ương. HTX DVNN Đồng Phú đã quy hoạch vùng sản xuất giống lúa nguyên chủng trên 30 ha chiếm 15% diện tích sản xuất nông nghiệp của HTX cho sản lượng trên 300 tấn giống lúa nguyên chủng.

Ngoài ra, với HTX NN Văn Đức đã quy hoạch 50 ha sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, đây là mô hình sản xuất đảm bảo an toàn chất lượng theo yêu cầu của CTTNHH Hương Cảnh nhằm tăng giá trị sản xuất hàng hoá trên 1 ha canh tác từ 800-900 triệu đồng, đồng thời kí hợp đồng với công ty đầu tư xây dựng xưởng sơ chế tại chỗ nhằm đẩy mạnh liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tăng giá trị sản phẩm.

 

2.5. Đánh giá về việc việc thực hiện các liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội

Thông qua hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu đạt phẩm chất ổn định và đồng nhất về chất lượng, đảm bảo tính chủ động trong kinh doanh, khắc phục được khó khăn trong khâu thu mua, do doanh nghiệp giám sát các khâu trong quá trình sản xuất nên đảm bảo chất lượng hàng hoá ổn định và có điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu, tạo thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn nhiều hạn chế:

Nhận thức của các HTX, trang trại, hộ nông dân về các chủ trương chính sách tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng chưa được đầy đủ, chưa thấy rõ tác dụng, lợi ích của việc kí kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Số HTX, trang trại chưa đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất theo hướng chuyên canh để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn tập trung.

Việc ứng dụng chuyển giao kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn chưa đồng bộ dẫn tới năng suất, chất lượng nông sản chưa cao; chưa chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở chế biến để tăng giá trị nông sản, tạo nguồn nông sản ổn định cho tiêu thụ.

HTX chưa phát huy hết vai trò là tổ chức đại diện (có tư cách pháp nhân) cho các hộ xã viên mở rộng liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Quy mô và giá trị nông sản còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp.

Việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp và HTX, nông dân nhiều lúc, nhiều nơi chưa đúng cam kết đã ký kết. Trong khi đó, việc xử lý khi một bên vi phạm Hợp đồng còn gặp rất nhiều khó khăn như cơ chế hành chính, như nhận thức của một phận nông dân còn thấp ...

Đa số các HTX, trang trại chưa tiếp cận được những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc xác định quyền sử dụng đất, chưa được vay vốn tín dụng, chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất …

Vì vậy, nhiều mô hình chỉ hoạt động tốt khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước không hỗ trợ thì mô hình hầu như không hoạt động như mục tiêu ban đầu đề ra.

4.2. Đề xuất giải pháp phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội

4.2.1. Giải pháp phát triển nông sản hàng hoá tạo nguồn hàng

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, trong đó tập trung vào các sản phẩm có khả năng phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ như:

-  Đến năm 2020 diện tích gieo trồng rau đậu đạt khoảng 34 nghìn ha. Sản xuất rau đậu thực phẩm trên địa bàn có thể đáp ứng khoảng 65 - 70% nhu cầu về rau đậu thực phẩm cho thị trường Hà Nội. Diện tích gieo trồng RAT vùng tập trung khoảng 6,5 nghìn ha canh tác, sản lượng đạt khoảng 380 nghìn tấn (chiếm khoảng 40 - 45% sản lượng rau đậu thực phẩm của Hà Nội sản xuất).

- Tổng đàn lợn năm 2010 tại thời điểm đạt khoảng 1,4 - 1,5 triệu con. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 đạt trên 340 nghìn tấn (tăng bình quân 0,6%/năm).

- Giai đoạn 2016 - 2020: diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 22.500 ha (trong đó diện tích tập trung có điều kiện đầu tư thâm canh 10,2 nghìn ha),  năng suất vùng nuôi trồng tập trung bình quân 17,5 tấn/ha, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 212 nghìn tấn.

4.2.2. Chính sách đối với doanh nghiệp

- Chính sách đất đai: Các doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.

- Chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: Đối với các vùng sản xuất nguyên liệu, tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp, đã được các cấp có chức năng phê duyệt, vùng đó được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây  kinh phí xây dựng đường trục xã; đường giao thông liên thôn, thôn, xóm (bao gồm cầu và đường); kinh phí xây dựng công trình đối với các tuyến kênh loại 1 và loại 2 tùy từng dự án cụ thể.

 - Chính sách tín dụng, vay vốn: Được ưu tiên vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để thu mua nông sản trong hợp đồng;

- Giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ: được hỗ trợ kinh phí mua giống mới, vật tư thiết bị mới để xây dựng mô hình trình diễn các tiến bộ kĩ thuật, hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền, tập huấn đào tạo, chuyển giao khoa học kĩ thuật nông nghiệp cho nông dân.

4.2.3. Giải pháp hỗ trợ các HTX

Hỗ trợ chi phí đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý HTX và cán bộ Ban điều hành tổ hợp tác; Hỗ trợ kinh phí dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kênh mương, giao thông nội đồng trong dự án “cánh đồng mẫu lớn”.

Hỗ trợ lần đầu 50% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ tiêu thụ như nhà kho, sân phơi, các thiết bị sơ chế, bảo quản, xử lý môi trường, chế biến, vận chuyển, kiểm nghiệm chất lượng nông sản của hợp tác xã.

4.2.4. Giải pháp nhằm khuyến khích nông dân

Nông dân được vay vốn với lãi suất thấp, điều kiện và thủ tục vay vốn thuận lợi; được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn bằng tín chấp và vay theo dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả …

Ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch; được hỗ trợ kinh phí mua giống cây trồng ngắn ngày, giống thủy sản ở vụ sản xuất đầu tiên.

4.2.5. Giải pháp với các các tổ chức khoa học, nhà khoa học

Tiếp tục đổi mới cơ chế xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực  nông nghiệp và nhu cầu phát triển của Thủ đô.

Xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cá nhân nhà khoa học theo hình thức “khoán trọn gói”, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở hợp đồng nghiên cứu đã ký kết.

- Xây dựng chính sách ưu đãi về vốn vay, đất đai, cơ sở hạ tầng để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ nông sản tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

4.2.6. Các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực thực hiện hợp đồng

Tăng mức xử phạt khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng như: giao nộp không đúng chất lượng đã thỏa thuận;  không đáp ứng được các tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước; không tuân thủ phương thức và thời gian thanh toán cho người nông dân...

 

KẾT LUẬN

Trên địa bàn Hà Nội, sản xuất về cơ bản vẫn là sản xuất nông hộ, manh mún nhỏ lẻ mặc dù đã có rất nhiều chương trình đầu tư nhằm tập trung sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trước kia các HTX có vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh, tuy nhiên hình thức HTX tỏ ra không còn phù hợp, thay vào đó là các HTX kiểu mới. Tuy nhiên các HTX kiểu mới ra đời chưa đáp ứng được mong đợi, chủ yếu hạn chế ở các dịch vụ nông nghiệp. Vì vậy, nhu cầu xây dựng các liên kết trong sản xuất, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là một yêu cầu bức xúc hiện nay.

Các mô hình liên kết tập trung vào các sản phẩm như rau an toàn, thịt lợn... nhiều mô hình đã thành công, trái lại có mô hình đã gặp thất bại. Việc đánh giá thành công và thất bại được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và tìm câu trả lời. Kết quả nghiên cứu đề tài đã đánh giá đúng thực trạng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trên địa bàn Hà Nội. Đã đánh giá những khó khăn, bất cập hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển các hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Tin đọc nhiều

Đại hội đại biểu Hội Luật gia quận Long Biên khoá IV, nhiệm kỳ 2024-2029

19:26 26/06/2024

HNP - Ngày 26/6, Hội Luật gia quận Long Biên tổ chức Đại hội đại biểu khóa IV, nhiệm kỳ 2024-2029 với nhiệm vụ đánh giá kết quả hoạt động Hội trong nhiệm kỳ 2018-2024, đề ra phương hướng trọng tâm nhiệm kỳ 2024-2029; đồng thời bầu Ban Chấp hành quận Hội khoá IV, bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Luật gia thành phố Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ

06:39 26/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải vừa ký ban hành Công văn số 1928/UBND-KSTTHC ngày 18/6/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử

06:37 26/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”.

Phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn

21:33 18/06/2024

HNP - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 03/6/2024 về việc phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường quy hoạch nối từ đê sông Hồng đến khu đô thị Thạch Bàn, quận Long Biên, tỷ lệ 1/500.

Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân

21:31 18/06/2024

HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 13/6/2024 về việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/04/2024 của Thành ủy Hà Nội.