Huyện Thường Tín xưa là huyện Thượng Phúc thuộc phủ Thường Tín, là một vùng đất thuộc đồng bằng Bắc bộ - là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hóa Sơn Nam, văn hóa đồng bằng sông Hồng mang đậm đà bản sắc dân tộc với trên 100 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia và Thành phố. Nơi đây cũng là vùng đất địa linh, nhân kiệt, đất danh hương, giàu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, có ý chí vượt khó thành tài, vun đắp nên nền văn hiến rực rỡ với 128 người đỗ đại khoa - tiến sỹ, là những người hiền tài, anh hùng, danh nhân văn hóa lưu danh muôn thuở như: Danh nhân Cao Bá Quát, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi... Thường Tín còn được biết đến là vùng đất trăm nghề, với 126 làng có nghề, trong đó 49 làng nghề đã được Thành phố công nhận.
Năm 1945, khi mới giành chính quyền, trong bối cảnh vừa phải giải quyết hậu quả của thiên tai, nạn đói, vừa phải ra sức củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, chống thù trong, giặc ngoài thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có hơn 2.000 thanh niên của huyện tình nguyện gia nhập Vệ quốc quân, trong đó có 42 thanh niên tình nguyện trong đoàn quân Nam tiến. Đây là lớp thanh niên đầu tiên của huyện tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả Cách mạng.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lực lượng địch cuối cùng ở bốt Tía, bốt chợ Cầu, bốt chùa Thông rút chạy hoàn toàn. Ngày 28/8/1954, quê hương Thường Tín hoàn toàn được giải phóng, góp phần quan trọng cho Ngày Giải phòng Thủ đô 10/10/1954. Từ đây, ngày 28/8/1954 đã trở thành mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của Huyện Thường Tín.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, với tinh thần cần cù, sáng tạo, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thường Tín tiếp tục ra sức thi đua, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống anh hùng, sau gần 40 năm đổi mới, hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa 12 về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Thường Tín đã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, vươn lên, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt khoảng 5.850 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách của Huyện đạt 896 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch Thành phố giao.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 49,5 triệu đồng/người/năm; đến năm 2023 đạt 70,54 triệu đồng/người/năm.
Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, GPMB được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường, dự án đang được triển khai trên địa bàn huyện.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Năm 2020, huyện Thường Tín đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay toàn huyện có 17/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu; hiện nay huyện đã hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng Trung ương xét duyệt để công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã tập trung hướng về cơ sở; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của Thủ đô, đất nước.
Với những cống hiến, thành tích quan trọng trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, huyện Thường Tín vinh dự được 04 lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Năm 2002, Huyện được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 02 lần được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, 01 lần được tặng Huân chương lao động hạng Nhì; 05 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Các xã Dũng Tiến và xã Nghiêm Xuyên được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; đã có nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng, phong tặng Huân, Huy chương kháng chiến và nhiều danh hiệu cao quý.
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương và chúc mừng những đóng góp to lớn và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín đã đạt được trong suốt 70 năm qua.
Kế thừa và phát huy truyền thống danh hương, khoa bảng, đất trăm nghề, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã của huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2030, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của quận đô thị.
Để đạt được các mục tiêu trên, đồng chí Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội của huyện tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân, xây dựng quê hương Thường Tín ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết đại hội 17 Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết đại hội 24 Đảng bộ Huyện; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại.
Lưu ý, trong định hướng Quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, huyện Thường Tín nằm trong khu vực phạm vi mở rộng đô thị của Thủ đô, cùng với đó là tập trung đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh… Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, tới đây huyện cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho đồng bộ, phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô; quản lý thật tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, gắn với tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng…, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp hiệu quả, chất lượng cao; nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Theo Chủ tịch HĐND Thành phố, năm 2020, huyện Thường Tín đã được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là nền tảng quan trọng, cần giữ vững thành quả và tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay. Trong đó phải đặc biệt lưu ý xây dựng, triển khai phương án bảo vệ môi trường làng nghề, môi trường nông thôn, bảo đảm cảnh quan môi trường nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, không có tệ nạn. Khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương.
Cùng với đó, phải rà soát, đánh giá toàn bộ các chỉ tiêu, mục tiêu, Chương trình, kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tìm giải pháp, nỗ lực quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, góp phần thực hiện Nghị quyết đại hội 17 Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết đại hội 13 của Đảng. Tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 258 ngày 15/7/2024 của Thành ủy về tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu lần thứ 18 Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, chú trọng từ việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn kiện đại hội cho đến việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảm bảo thực chất, nghiêm túc, khách quan, đúng quy định.