Công điện của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập.

09:09 | 13/10/2017

Ngày 11/10/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập. Nội dung công điện nêu: Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Hòa Bình đã có mưa to đến rất to, từ 200-300mm gây lũ lớn trên hệ thống sông Cả, sông Đà, sông Hồng đã và đang xảy ra sự cố đối với Hồ chứa thủy lợi nhỏ. Đặc biệt trong khoảng 12 tiếng (từ 19giờ ngày 10/10 đến 11 giờ 30 ngày 11/10/2017). Do lưu lượng nước về hồ Hòa Bình tăng đột biến và ở mức cao (10 giờ ngày 11/10 là 14.720m3/s và đang tăng), mức nước hồ đã vượt mức cho phép 117,30m (lúc 10 giờ ngày 11/10 là 117,40 m). Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở liên tiếp 08 cửa xả đáy và có thể tiếp tục mở thêm, mực nước hạ lưu trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tiếp tục lên nhanh và ở mức cao. Theo thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống lên nhanh và có thể lên trên mức Báo động I.

Thực  hiện Công điện số 1533/CĐ-TTg ngày 11/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các Công điện: Số 77/CĐ-TW hồi 11 giờ ngày 11/10/2017, số 75/CĐ-TW hồi 4 giờ ngày 11/10/2017, số 74/CĐ-TW ngày 10/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất ở hạ du, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu:

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã: Bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xã lũ hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

2. Các cấp, các ngành, các cđơn vị theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ, mức nước dâng trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống để chủ động đối phó, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt các công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời mọi diễn biến mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

3. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉđạo:

- Theo dõi thường xuyên tình hình mưa, lũ, úng ngập; tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, hồ, đập, các công trình thủy lợi, chủ động triển khai phương án, phát hiện, xử lý kịp thời những hư hỏng đảm bảo an toàn công trình; triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ cây trồng rau màu trên địa bàn.

- Chủ động tổ chức sơ tán dân, bảo vệ tài sản của Nhànước và nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, nguy hiểm không đảm bảo an toàn. Các quận, huyện, thị xã dọc trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống tăng cường kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý sự cố về đê điều hiệu quả ngay từ giờ đầu, đúng quy định.

- Phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan, các Công ty thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện triệt để các giải pháp đảm bảo tiêu thoát nước, chống úng ngập trên địa bàn, đặc biệt các vị trí úng ngập cục bộ.

4. Sở Xây dựng:

- Chỉ đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội: Tập trung kiểm tra, rà soát Trạm bơm Yên Sở và các công trình chống úng ngập, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, đảm bảo thông thoáng; triển khai các biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp xử lý cụ thể từng thời điểm thường xuyên úng ngập cục bộ;

- Chỉ đạo công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẩn trương rà soát, kiểm tra cắt tỉa cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn; tổ chức lự lượng kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.

5. Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo đảmbảo an toàn đê điều, các hồ chứa, các công trình thủy lợi; triển khai phương án phòng, chống úng ngập; chỉ đạo các Công ty thủy lợi chủ động, sãn sàng vận hành công trình tiêu úng trên địa bàn phụ trách và tiêu úng hỗ trợ khu vực nội thành khi có yêu cầu.

6. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp Công an thành phốHà Nội chủ động triển khai phương án phân luồng, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị tại các điểm xung yếu, có khả năng úng ngập cục bộ; kịp thời xử lý, ứng cứu không để xảy ra ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

7. Công an thành phố Hà Nội: Tăng cường lực lượng, hướng dẫn phân luồng giao thông, ứng trực xử lý giải tỏa các điểm ùn tắc về giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

8. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Thường xuyên nắm chắc tình hình, chuẩn bị các lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có huống xảy ra.

9. Các Sở: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, SởThông tin và Truyền thông căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, nắm chắc tình hình, chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện, thông tin báo cáo kịp thời đúng quy định.

  10. Các Công ty thủy lợi: Tổ chức kiểm tra, rà soát các hồ chứa, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; chủ động tiêu nước đệm, vận hành các trạm bơm tiêu, các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng hiệu quả.

  11. Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội: Đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập.

  12. Các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan: Tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo kịp thời, chính xác về UBND Thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố.

  13. Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, úng ngập, thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin, diễn biến thời tiết; báo cáo kịp thời Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố để tập trung chỉ đạo.

  Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Thành phố chủ động phối hợp đơn vị được phân công theo dõi kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống úng ngập./.



CỔNG THÔNG TIN ĐIỀU HÀNH UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Chỉ đạo trực tiếp: TRƯƠNG VIỆT DŨNG, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Trụ sở: 12 Lê Lai, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 02438253536 - 0789111111       Email: vanthu@hanoi.gov.vn