Có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, đến chiều 5/9, bão số 3 đang ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500km về phía Đông. Cường độ bão số 3 mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.
Theo đại diện Tổng Cục Khí tượng Thủy văn, dự báo đêm 6/9, bão Yagi sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Khoảng chiều và đêm 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, do ảnh hưởng của bão Yagi, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Dự báo, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có lượng mưa phổ biến 100 -150mm. Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La có lượng mưa 150-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Ông Mai Văn Khiêm đưa ra dự báo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Phạm Đức Luận cảnh báo tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện có 343 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và đang thi công. Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 37 trọng điểm xung yếu. Nguy cơ ảnh hưởng rất lớn khi bão đổ bộ.
Gấp rút lên phương án ứng phó
Nhận định bão số 3 là cơn bão lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây, có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh, Thành phố khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, các địa phương đã triển khai các phương án ứng phó để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, ngày 4/9/2024, UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với bão số 3 năm 2024. Trước đó, ngày 3/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố cũng đã có Văn bản số 141/BCH về việc chủ động ứng phó bão số 3. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã của thành phố đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 3 theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đã lên phương án phòng ngừa trước khi bão đổ bộ; phương án ứng phó khi bão đổ bộ và phương án khắc phục hậu quả sau bão. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, phương án cụ thể đã được triển khai đó là chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định; rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất) nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở mức cao nhất.
Khi xuất hiện bão đổ bộ vào khu vực Hà Nội, căn cứ vào cấp độ rủi ro thiên tai, tình hình thực tế tương ứng với các kịch bản đã được xây dựng tại các phương án, kế hoạch, các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố triển khai đồng loạt các hoạt động ứng phó với bão theo kế hoạch được duyệt. Triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện giải pháp chống bão, chống úng ngập gồm: Lực lượng, phương tiện huy động, hiệp đồng với các đơn vị quân đội, công an tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lượng lượng ứng trực, chỉ huy tại các cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức lực lượng xung kích, lực lượng chuyên trách để ứng phó với mưa bão, như trực ban, tuần tra, canh gác, xử lý giờ đầu các sự cố, thực hiện vớt rác khơi thông dòng chảy, vận hành các trạm bơm tiêu…
Về phương án khắc phục hậu quả sau bão, theo kế hoạch và phương án được duyệt, các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Thành phố tiếp tục các giải pháp khắc phục hậu quả; xử lý các sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; thống kê, hỗ trợ thiệt hại; phục hồi sản xuất, cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân…
UBND Thành phố cũng đề nghị các địa phương, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra.
Cần tập trung cao độ để hạn chế thiệt hại
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cơn bão số 3 được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ ứng phó trên tinh thần không chủ quan, không chờ đợi và chủ động cao nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đánh giá bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai rất lớn. Bão đổ bộ đất liền có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Vì vậy, đối với công tác ứng phó thiên tai, việc đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy tinh thần “4 tại chỗ” và phối hợp nhịp nhàng trong ứng phó là những yếu tố hết sức quan trọng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, làm tốt các nhiệm vụ nêu trên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo. Trong đó, chú trọng chất lượng thông tin dự báo để người dân có thể hình dung được mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của bão, từ đó có biện pháp chủ động phòng tránh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khi tất cả cùng hành động thì ứng phó mới hiệu quả; do đó, mỗi tổ chức, mỗi lực lượng cần có kế hoạch hành động, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, vùng hoàn lưu bão rất lớn, có thể gây mưa diện rộng kéo dài tại nhiều địa phương dẫn đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần thường xuyên cập nhật bản đồ cảnh báo để tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm và chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
* Ngay sau cuộc họp trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội họp để triển khai chỉ đạo ứng phó bão số 3 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo tại cuộc họp này, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Điện lực Thành phố khẳng định đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công, ứng phó bão số 3, bốn công ty thoát nước đô thị thành phố đã huy động 2.416 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị bơm hút chống ngập. Các công ty cây xanh đã cắt tỉa hạ thấp độ cao, làm thưa tán hơn 92.000 cây xanh, đạt 65% số lượng cây của Thành phố. Bên cạnh đó, các công ty cây xanh đã huy động 573 người, 80 xe và 100 cưa máy, 100 cưa tay tiếp tục cắt tỉa, kịp thời giải tỏa cây xanh gãy đổ...
Các đơn vị quân đội, công an sẵn sàng huy động 10.732 cán bộ, chiến sĩ, 303 phương tiện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; trong đó đặc biệt lưu ý phương án phòng, chống úng ngập khu vực nội thành, ngoại thành; cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi; sẵn sàng sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm…
“Để giảm thiệt hại, các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý.