Ghi nhận ban đầu, do ảnh hưởng của bão số 3, trên một số tuyến đường của huyện xuất hiện một số cây xanh bị đổ gãy đã được các lực lượng nhanh chóng xử lý sự cố, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Cùng với đó, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chủ động rà soát, triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống bão và khắc phục hậu quả do bão gây ra; bảo đảm lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức thông tin, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, huyện Chương Mỹ đã có phương án ứng phó ngay từ ngày 5/9. Theo đó, 100% quân số của các phòng, ban, ngành, đơn vị của huyện thường xuyên ứng trực 24/24. Tại cơ sở, lực lượng xung kích của các xã, thị trấn cũng bám sát địa bàn, sẵn sàng dọn dẹp cây cối, vật dụng bị mưa gió làm hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.
“Chúng tôi đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, công trình xây dựng. Kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố để bảo đảm an toàn công trình, đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, sẵn sàng có phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, bảo đảm an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân; bảo đảm an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi… Đồng thời có phương án sẵn sàng hỗ trợ bảo đảm đời sống người dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.
Huyện cũng chủ động rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp, chủ động vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, các công trình, trụ sở ven sông, ven suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng, nhất là tại các xã: Tiên Phương, Hồng Phong, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Chúc Sơn.
Các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hữu Văn, Hồng Phong, Trần Phú, Mỹ Lương, Tốt Động và thị trấn Xuân Mai thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, huyện cũng yêu cầu chính quyền các địa phương chủ động có phương án sơ tán Nhân dân đến nơi an toàn. Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản. Chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ, để đảm bảo đời sống nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra...
Trước khi bão số 3 độ bộ vào đất liền, huyện Chương Mỹ cũng đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể, đồng thời phân công các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo tại cơ sở. Kiểm tra công tác phòng, chống, chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3 tại xã Nam Phương Tiến - Nơi được coi là rốn lũ của huyện, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng đề nghị xã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thành phố, của Huyện ủy, UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Trọng tâm là hướng dẫn kịp thời cho Nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; đề phòng mưa lớn, sạt lở đất, lũ rừng ngang có thể xảy ra.