Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đỗ Thị Lan
Sự cần thiết:
Cam Canh là loại quả quý, có hương vị thơm ngon và có giá trị cao về mặt dinh dưỡng và giá trị kinh tế. Trong 100g quả cam có chứa 87,6 g nước; 1.104 microgram Carotene – một loại vitamin chống oxy hóa; 30 mg vitamin C; 10,9 g chất tinh bột; 93 mg kali; 26 mg canx; 9 mg magnesium; 0,3g chất xơ; 4,5 mg natri; 7 mg Chromium; 20 mg phốt pho; 0,32 mg sắt và giá trị năng lượng là 48 kcal. Hàm lượng vitamin C chỉ chiếm 15 – 20% tổng số các chất kháng oxy hóa trong trái cây này, trong khi những hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần vitamin C: hesperidin từ flavanoid có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép, hạt cam, có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).
Cam Canh là một loại cây ăn quả đặc sản có nguồn gốc tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngoài tên gọi là cam canh nó còn có tên gọi là cam đường canh, cam ngự, cam vua. Đây là cây ăn quả được trồng phổ biến ở Hà Nội và các vùng phụ cận, được người tiêu dùng trong nước và bạn bè quốc tế ưa thích. Quả cam Canh có thể sử dụng ăn tươi, chế biến nước giải khát, rượu, bánh, mứt, kẹo, bột dinh dưỡng, cam nước đường. Cam Canh có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe của người sử dụng, đặc biệt là người bị bệnh. Trong quả cam Canh còn chứa nhiều hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần Vitamin C như: Hesperidin từ Flavonoid, có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam, trong tép và hạt cam, có khả năng giảm Cholesterol, chất Phytochemical (gồm các chất dưỡng da và chống lão hóa) chứa trong mỗi quả cam khoảng 170 mg. Trong y dược người ta thống kê được 14 tác dụng của quýt trong việc chữa trị cảm lạnh, viêm phế quản và hen suyễn, lão hóa da, giữ tinh binh khỏe mạnh, trị chứng táo bón, viêm khớp, xơ cứng động mạch, phòng, chống ung thư, giảm cholesterol, trị bệnh tim, cao huyết áp, tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ da và chống lại sự viêm, xoa dịu các cơn đau ruột, dạ dày, gan và thúc đẩy nhanh quá trình liền sẹo. Lá, hoa, vỏ cây và quả quýt đều có thể dùng để hãm thành nước uống có vị đắng nhẹ và hương vị đặc trưng, giúp hạ hỏa, mất ngủ, xoa dịu rối loạn chức năng lưu thông máu.
Cam Canh không chỉ có giá trị sử dụng trong y dược cao, mà còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Năng suất trung bình đạt khoảng 15 tấn/ha, giá trị 300- 400 triệu đồng/ha, cao gấp 8-10 lần so với trồng lúa, ngô. Nhiều diện tích cam Canh ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long đạt 50 tấn quả/ha, giá trị đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Cam Canh không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người trồng cam Canh tăng thu nhập và làm giàu. Cam Canh là một giống cây ăn quả đặc sản, được trồng ở hầu hết các quận, huyện ở Hà Nội với quy mô gần 1000 ha, năng suất 15 tấn quả/ha, sản lượng 15.000 tấn quả/năm. Tuy nhiên, cam Canh được trồng tập trung thành vùng chuyên canh hàng hóa cao tại các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Gia Lâm, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín... trên đất bãi ven sông, đất vườn gia đình và đất đồi gò. Trong những năm trước 2015, diện tích trồng cam Canh có xu hướng gia tăng, song kỹ thuật canh tác chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm và tập quán, chưa có quy trình thống nhất, cùng với sự biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của đô thị hóa... Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm chất lượng cam Canh ở Hà Nội. Mặc dù cam Canh có nhiều lợi thế để phát triển và cạnh tranh với nhiều loài cây ăn quả khác, song trong những năm gần đây cam Canh ở Hà Nội và các vùng phụ cận đã và đang bị suy giảm về năng suất và chất lượng. Trong đó, nhiều vùng trồng cam Canh đã và đang đối mặt với sâu bệnh hại, sự thoái hóa về chất lượng, múi quả bị khô, nhiều xơ, quả bộp (Cam beo) hàm lượng Brix thấp. Cam Canh là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao của thành phố Hà Nội, tuy nhiên trong những năm gần đây việc sản xuất cam Canh mang tính tự phát, nhiều vườn cây có biểu biện già cỗi, sâu bệnh hại, năng suất thấp, chất lượng không ổn định, giá trị sản phẩm cam Canh đặc sản ngày càng giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng kể trên như: kỹ thuật canh tác chưa đảm bảo, công tác quản lý nhân giống chưa chặt chẽ, sản xuất tự phát theo nhu cầu thị trường, mắt ghép khai thác từ cây mẹ không đủ tiêu chuẩn, cây giống chất lượng không đồng đều, không đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Đây là những hạn chế chủ yếu của các vùng trồng cam Canh ở Hà Nội, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất đối với việc duy trì vùng trồng cam Canh trong những năm tới.
Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có sự đa dạng cao về cây có múi với sự phân bố chủ yếu tại các địa phương thuộc ven sông Hồng và sông Đáy. Do đó việc bảo tồn khai thác và phát triển cây có múi nói chung, cây cam Canh nói riêng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Để thực hiện nhiệm vụ này cần tiến hành đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, bao gồm điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất, khai thác sử dụng nguồn gen cam canh, tiêu chí chất lượng quả cam Canh; mô tả, đánh giá đặc điểm nông sinh học, giá trị kinh tế của nguồn gen cam Canh. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng mô hình trồng mới (các cây giống đảm bảo sạch bệnh), xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp nâng cao chất lượng quả, kết hợp tập huấn kỹ thuật canh tác, hội thảo quy trình kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất tại các địa phương. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác nâng cao chất lượng quả cam Canh trên địa bàn Hà Nội” là một trong những nội dung quan trọng để góp phần thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên địa bàn TP. Hà Nội.
Mục tiêu tổng quát:
Đánh giá được hiện trạng sản xuất, chất lượng quả và đề xuất quy trình canh tác nhằm nâng cao chất lượng, hạn chế hiện tượng rụng quả, khô múi, phục vụ phát triển bền vững cây cam Canh trên địa bàn Hà Nội.
Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu tổng quan cây cam canh và xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng quả cam canh.
- Điều tra, đánh giá được hiện trạng sản xuất, mối quan hệ giữa kỹ thuật canh tác với chất lượng quả, xác định được nguyên nhân gây suy giảm chất lượng cam canh (rụng quả, khô múi).
- Xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp cam canh đảm bảo năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ khô múi dưới 20%, rụng quả dưới 10%.
- Xây dựng được 02 mô hình trồng mới: 0,5ha cây cam canh tại Hoài Đức và 0,5 ha tại Thường Tín. Các cây trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh.
- Xây dựng được 02 mô hình canh tác tổng hợp nguồn gen cam Canh đạt hiệu quả kinh tế tăng ≥ 10% so với sản xuất đại trà, chất lượng tốt, quy mô 1ha/mô hình.
Nội dung nghiên cứu:
- Nghiên cứu tổng quan về cây cam Canh và xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng quả cam Canh.
- Điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và nguyên nhân gây suy giảm chất lượng cam Canh.
- Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp cây cam Canh nhằm hạn chế khô múi, rụng quả và nâng cao chất lượng cam Canh.
- Xây dựng mô hình trồng mới cam Canh đảm bảo sạch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, quy mô 1ha.
- Xây dựng 02 mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp trên cây cam Canh.
Kết quả của đề tài:
Đối với giống cam Canh, việc đánh giá chất lượng quả được dựa vào 2 nhóm tiêu chí định lượng và định tính. Sản phẩm quả đạt chất lượng cao khi có khối lượng, kích cỡ và số múi vừa phải (80 - 100g; đường kính 50 - 70mm, cao 40 - 50mm; 9 - 10 múi/quả), độ đồng đều cao (> 80%); năng suất và tỷ lệ phần ăn được cao (> 25kg/cây > 80%); tỷ lệ quả xốp thấp (< 5%); mọng nước (85 - 90%); ngọt dịu (hàm lượng đường tổng số 8 - 10; độ Brix > 11%; axit tổng số 0,08 - 0,12%) có lượng vitamin C và vitamin PP vừa phải (45 - 50mg/100g); có chứa Beta - Caroten (0,14 - 0,16mg/100g). Các chỉ tiêu định tính, được hội đồng chuyên gia thẩm định, đạt yêu cầu với các tiêu chí: dạng quả đẹp (hình cầu dẹt, màu sắc vỏ và thịt quả đặc trưng và hấp dẫn (màu cam), dễ tách múi, có vị thơm, chín đúng dịp tết cổ truyền nên giá thành cao (tháng 12 đến tháng 1 năm sau).
Mặc dù được coi là cây ăn quả đặc sản bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, sản xuất cam Canh hiện tại của Hà Nội đang có chiều hướng đi xuống cả về diện tích, năng suất và chất lượng. Điển hình như ở Kim An, Thanh Oai diện tích trồng cam Canh năm giai đoạn 2007-2015, hiệu quả lên tới 300-500 triệu đồng/ha, đến năm 2018 diện tích chỉ là 98,87 ha và đến cuối năm 2020 hầu như còn không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người dân khai thác liên tục, triệt để vườn cây mà không có sự đầu tư thích đáng, chưa áp dụng nghiêm chỉnh quy trình chăm sóc, đặc biệt là chế độ bón phân, bổ sung dinh dưỡng, khoanh vỏ, tạo tán, cắt tỉa... dẫn đến vườn cây bị thoái hóa, sinh trưởng kém, nhiều sâu bệnh, quả kém phát triển, chất lượng thấp, rụng nhiều và hiện tượng xốp quả xảy ra khá phổ biến.
Các biện pháp canh tác thích hợp cho cây cam Canh bao gồm: bón đầy đủ phân chồng hoai mục, phân khoáng đa lượng (25 kg phân chuồng + 1 kg lân super + 1,1 kg Kcl + 5 kg NPK tỷ lệ 20:20:15 kết hợp phun vi lượng Bo nồng độ 250ppm cùng với phân bón lá Grow More 20-20-20 + TE và Tricho Humic 4gram/lít; khoanh vỏ 2 lần (sau thu hoạch khoảng 30 ngày và sau khi cánh hoa rụng khoảng 80-90%); cắt tỉa, tạo tán 2 lần (ngay sau thu hoạch và trước khi ra hoa); duy trì độ ẩm đất bằng trồng cây họ đậu có tưới nước bổ sung; sử dụng, hoạt chất Mancozeb: 640g/kg, Metalaxyl: M 40g/kg với liều lượng 60 - 80gr/bình 20 lít để phòng trừ đối với bệnh rụng quả, thối quả kết hợp với biện pháp đảo gốc hạn chế bệnh hại rễ có tác động thúc đẩy sinh trưởng và phát triển cây cam Canh, nâng cao năng suất và chất lượng quả khá rõ, qua đó cải thiện đáng kể thu nhập của người trồng cam trên địa bàn Hà Nội.
Các mô hình trồng mới cam Canh tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín và xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội với cây giống được nhân giống vô tính từ nguồn sạch bệnh bệnh vàng lá Greening và bênh Tristeza (cây S1), được chăm sóc theo quy trình cải tiến có tỉ lệ cây sống cao (96,1% - 97,4%), tình trạng sinh trưởng phát triển tốt (chiều cao trung bình 88,6 cm - 82,1 cm, đường kính gốc 3,01 cm - 3,08 cm, cây 1 tuổi), không nhiễm bệnh vàng lá Greening và bệnh Tristeza.
Các mô hình thâm canh trên vườn đã cho quả ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín và xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến đúc rút từ kết quả nghiên cứu của đề tài thể hiện được tính vượt trội rõ rệt về khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng, năng suất cao (21,5 tấn/ha - 21,8 tấn/ha), chất lượng quả tốt (tỉ lệ khô múi giảm từ 16% - 17%, tỉ lệ rụng quả giảm 8,0% so với đối chứng), ít sâu bênh và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt, (tăng 18,5% - 18,9%).